Tài liệu được dịch từ hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO
HPV là gì ?
HPV - viết tắt của human papillomavirus, là một loại vi-rút lây nhiễm vào da hoặc một số khu vực có màng nhầy (chẳng hạn như cổ tử cung hoặc vùng sinh dục). Một số trường hợp lây nhiễm HPV dẫn đến sự xuất hiện của các khối u giống như mụn cóc.
Có hơn 200 tuýp HPV. Mỗi tuýp được chỉ định một số (theo thứ tự được phát hiện).
Một số tuýp HPV nguy cơ cao lây truyền qua đường tình dục có thể gây ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác. Các tuýp HPV nguy cơ thấp có thể gây ra mụn cóc thông thường ở bàn chân, vùng sinh dục và một số trường hợp hiếm gặp, phát triển thành mụn cóc trong đường thở gây ra chứng rối loạn giọng nói gọi là "đa bướu gai hô hấp tái diễn" (Recurrent respiratory papillomatosis, viết tắt là RRP ).
HPV có thể gây ra bệnh gì ?
Các tuýp HPV khác nhau lây nhiễm các bộ phận khác nhau của cơ thể, và có thể gây nên đến các bệnh bao gồm ung thư, mụn cóc sinh dục hoặc bệnh đường hô hấp.
Hầu hết việc lây nhiễm với bất kỳ tuýp HPV nào đều không gây nên triệu chứng rõ ràng trong vòng 12 - 24 tháng.
Tuy nhiên, ít nhất 1 trong 10 trường hợp lây nhiễm với các tuýp HPV nguy cơ cao qua đường tình dục trở thành nhiễm dai dẵng mãn tính và có thể tiến triển thành tổn thương tiền ung thư. Những tổn thương tiền ung thư xảy ra ở cổ tử cung được gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung (CIN). Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể tiến triển thành ung thư. Quá trình này thường kéo dài trong vòng 15 - 20 năm.
Hầu hết tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung và phần lớn các trường hợp ung thư âm đạo, âm hộ và dương vật cũng như một số trường hợp ung thư đầu và cổ là do HPV. 7 trong 10 trường hợp ung thư cổ tử cung là do HPV tuýp 16 hoặc 18.
Các tuýp HPV khác gây ra mụn cóc sinh dục, dễ lây lan và khó điều trị. 9 trong 10 trường hợp bị mụn cóc ở bộ phận sinh dục là do vi rút HPV tuýp 6 hoặc 11 gây ra.
HPV cũng có thể gây ra một căn bệnh hiếm gặp gọi là "đa bướu gai hô hấp tái diễn" (Recurrent respiratory papillomatosis, viết tắt là RRP ) do sự tăng trưởng của mụn cóc trong thanh quản (khí quản) của trẻ sơ sinh khiến trẻ khó thở. RRP gây ra bởi HPV tuýp 6 và 11.
HPV lây nhiễm bằng cách nào ?
HPV lây lan từ người mang vi-rút thông qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nhiễm bệnh, màng nhầy hoặc dịch cơ thể. Khoảng 30 tuýp HPV lây truyền qua hoạt động tình dục, chẳng hạn như quan hệ qua đường âm đạo, miệng, hậu môn hoặc chạm vào bộ phận sinh dục. Trong một số trường hợp, HPV có thể lây từ người mẹ mang vi-rút sang con trong khi sinh.
Lây nhiễm HPV có phổ biến không ?
Lây nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới.
Khoảng 8 trên 10 người đàn ông và phụ nữ sẽ bị nhiễm một hoặc nhiều tuýp HPV tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Tỷ lệ nhiễm HPV cao nhất xảy ra ở nam giới và phụ nữ hoạt động tình dục đến 25 tuổi.
Ung thư cổ tử cung là gì ?
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư xảy ra tại vùng cổ của tử cung. Hầu hết tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là do lây nhiễm HPV.
Lây nhiễm tuýp HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến những thay đổi bất thường trong các tế bào biểu mô cổ tử cung. Những thay đổi này được gọi là tổn thương tiền ung thư. Nếu không hồi phục hoặc không được loại bỏ, có thể phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, quá trình này phải mất nhiều năm.
Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là sự lây nhiễm tuýp HPV nguy cơ cao. Các nguy cơ khác bao gồm mang thai lần đầu khi còn trẻ tuổi, mang thai ba lần trở lên, hút thuốc lá, hệ thống miễn dịch yếu, nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Các phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài bao gồm vô sinh.
Mỗi năm, có khoảng 30 000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung ở Khu vực Châu Âu của WHO.
Ung thư cổ tử cung phổ biến như thế nào ?
Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ, với khoảng 69 000 trường hợp và 30 000 ca tử vong được ghi nhận mỗi năm ở Khu vực Châu Âu của WHO (1). Năm 2018, ước tính có khoảng 570 000 trường hợp ung thư cổ tử cung và 310 000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới.
Không giống như hầu hết các bệnh ung thư, ung thư cổ tử cung có nhiều khả năng phát triển ở phụ nữ độ tuổi 20 - 45 hơn so với phụ nữ lớn tuổi. Hầu hết các trường hợp xảy ra tại các quốc gia không có chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả (phát hiện và điều trị tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm trước khi chúng tiến triển).
Có thể kiểm tra việc lây nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung không ?
Có, xét nghiệm PAP hoặc phết tế bào được sử dụng rộng rãi để phát hiện sự phát triển của tế bào bất thường (tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư). Kiểm tra bằng mắt và xét nghiệm HPV được sử dụng để phát hiện các tuýp HPV nguy cơ cao có thể gây ung thư.
Những xét nghiệm này được sử dụng trong các chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung để phát hiện sự phát triển tiền ung thư và ung thư sớm, vì vậy chúng có thể được điều trị trước khi chúng tiến triển.
Thật không may, các chương trình sàng lọc không thể phát hiện hoặc ngăn ngừa tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngay cả các quốc gia có chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cũng có số lượng đáng kể các ca tử vong do ung thư cổ tử cung.
Tiêm vắc-xin HPV kết hợp với sàng lọc thường xuyên cung cấp cách hiệu quả nhất cho phụ nữ để được bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung.
Có thể ngăn chặn sự lây nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung không ?
Nếu không tiêm vắc-xin, 8 trong số 10 người đàn ông và phụ nữ sẽ bị nhiễm các tuýp HPV phổ biến nhất tại một số thời điểm trong cuộc đời của họ, thường là trước 25 tuổi. Nguy cơ ung thư cổ tử cung có thể giảm đáng kể thông qua việc tiêm vắc-xin HPV và sàng lọc cổ tử cung kịp thời.
Sự lây nhiễm HPV có thể được ngăn ngừa bằng cách không hoạt động tình dục hoặc duy trì chế độ một vợ một chồng suốt đời. Tuy nhiên, ngay cả khi một người chỉ có một bạn tình, người đó cũng có thể đã lây nhiễm HPV mà không biết vì không xuất hiện triệu chứng. Giảm số lượng bạn tình và tần suất của các đối tác mới có thể làm giảm nguy cơ. Sử dụng bao cao su và các biện pháp tránh thai khác cũng có tác dụng làm giảm, nhưng không loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây truyền qua đường tình dục của vi-rút HPV.
Việc tiêm vắc-xin HPV trước khi hoạt động tình dục có tác dụng làm giảm nguy cơ lây nhiễm một cách đáng kể vì vắc-xin bảo vệ chống lại các tuýp HPV phổ biến nhất, gây ra tới 9 trên 10 trường hợp ung thư cổ tử cung và 9 trong 10 trường hợp mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin HPV sẽ không bảo vệ cơ thể khỏi tất cả các tuýp HPV, vì vậy sàng lọc ung thư cổ tử cung vẫn rất quan trọng ngay cả khi phụ nữ đã được tiêm vắc-xin.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu, có thể điều trị thành công. Chương trình sàng lọc tại các quốc gia giúp làm giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung xâm lấn (tiến triển). Tuy nhiên, việc sàng lọc không thể ngăn ngừa hoặc phát hiện tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Thậm chí đối với những quốc gia có chương trình sàng lọc hiệu quả cũng có số lượng đáng kể các ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Đây là lí do vì sao việc tiêm vắc-xin kết hợp với sàng lọc thường xuyên là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ phụ nữ khỏi căn bệnh này./.